Bản thể học Trình_Di

Khái niệm “Lý” là trung tâm trong bản thể học của Trình Di. Mặc dù không được tạo ra bởi hai anh em Trình, đây là khái niệm cốt lõi của Tân Nho giáo trong quá trình phát triển của nó. Vì vậy, trường phái Tân Nho giáo cũng còn được gọi là phái “Lý học” (li xue). Một số khía cạnh của Lý được dịch sang tiếng Anh như là “Nguyên tắc”, “khuôn mẫu”, “Lý trí” và “Pháp luật”. Đôi khi nó được hai anh em Trình sử dụng như một khái niệm tương ứng với Đạo, nghĩa là con đường. Khi được dùng như vậy, nó ám chỉ những điều mà một người nên làm dưới góc nhìn đạo đức. Hiểu theo ý nghĩa này, Lý đóng vai trò như một nguyên tắc hướng dẫn hành động cũng như các nguyên tắc đạo đức. Ngoài khía cạnh đạo đức, Lý cũng có nghĩa là nguồn gốc cơ bản của mọi sự tồn tại. Điều này không có nghĩa là “Lý” tạo ra mọi thứ mà đúng hơn là “Lý” đóng vai trò như những nguyên tắc giải thích trong việc biến mọi vật khác nhau thành nó trong giới tự nhiên. Vì vậy, Lý cung cấp một nguyên tắc chung cho mọi vật hiện hữu. Khi mà Trình Di nhận ra rằng mọi vật khác nhau có những nguyên tắc khác nhau để giải thích cho sự tồn tại của chúng, ông nghĩ rằng số lượng vô hạn các nguyên tắc này có thể được tổng quát thành một nguyên tắc chung. Nguyên tắc chung này là một nguyên lý siêu việt cơ bản của mọi sự tồn tại, cái mà sau này Chu Hy gọi nó là Thái Cực(taiji)(Nguyên lý vĩ đại) – cơ sở tối cao của mọi chuyển động, vũ trụ bao la. Trong khi Nguyên lý vĩ đại sở hữu tính phổ quát cao nhất, nguyên lý của một vật cụ thể thể hiện tính riêng biệt của Nguyên lý vĩ đại. Vì vậy, nguyên lý của một vật cụ thể được hiểu như là một hình thức cụ thể của Nguyên lý vĩ đại

Dường như đối với Trình Di, “Lý” vừa là nguyên lý của thế giới tự nhiên vừa là nguyên lý của Đạo đức. “Lý” của tự nhiên quyết định các định luật của giới tự nhiên; “Lý” của Đạo đức quyết định các nguyên tắc Đạo đức. Trình đã mô tả “Lý” này bằng một ví dụ sau: “Lý” quyết định lửa thì nóng còn nước thì lạnh. Nó cũng là nguyên lý quy định các quy tắc ứng xử giữa cha và con, ở đó người Cha phải giữ đúng bổn phận của người làm cha còn người con thì phải biết hiếu thảo với cha.

Như là một nguyên tắc của Đạo đức, “Lý” là một vấn đề thuộc bản thể học có trước sự tồn tại của con người. Nó biểu thị chính nó trong các mối quan hệ của từng cá nhân trong các trường hợp cụ thể. Thông qua sự hiểu biết của một người, những biểu hiện bên ngoài của “Lý” phát triển thành một nguyên lý nội tại trong Tâm của con người. Trái lại, như một nguyên lý của tự nhiên, “Lý” tồn tại trước mọi hiện tượng trong tự nhiên. Nó biểu hiện như một năng lượng của mọi sự phát triển(Khí) nằm trong Thái Cực. Mối quan hệ giữa “Lý” và Thái Cực đôi khi bị nhầm lẫn là cùng tên với nhau, nhưng Trình Di đã chỉ ra sự khác biệt của hai khái niệm này. Với ông, “Lý” không đồng nghĩa với Thái Cực, “Lý” là cái tạo nên sự đan xen và hoán đổi của Âm và Dương trong Thái Cực. Mặc dù “Lý” và “Khí” thuộc 2 khái niệm khác nhau. Cụ thể, “Lý” (xing er shang) và “Khí” (xing er xia)-các sự vật- không thể tồn tại tách rời nhau. Ông đã tuyên bố rằng ngoài Thái Cực không có Đạo.

Tóm lại, dù cho là nguyên lý của tự nhiên hay của Đạo đức, “Lý” đóng vai trò như một nguyên lý giải thích sự tồn tại và những gì nên tồn tại theo góc nhìn của bản thể học. Vì vậy, một học giả thuộc phái Tân Nho giáo là Mưu Tông Tam(Tiếng Trung: 牟宗三) từng nói rằng, đối với Trình Di, “Lý” không bao giờ đại diện cho một nguồn năng lượng hay hoạt động sáng tạo nào, như anh của ông là Trình Hào quan niệm, mà chỉ đơn giản là một nguyên lý cơ bản của bản thể học về sự tồn tại của tự nhiên cũng như các giá trị đạo đức trong xã hội.